Giành lại quyền nuôi con khi bị mẹ hành hạ

CÔNG TY LUẬT TNHH VILOB NAM LONG

Cở sở pháp luật: 

– Luật hôn nhân và gia đình 2014;

– Bộ luật Dân sự 2005.

– Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004;

– Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

– Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

– Bộ luật Hình sự 1999.

* Nội dung:

Thứ nhất, vấn đề “ly hôn” của ba mẹ bé.

Bạn có đưa ra thông tin “ba mẹ bé ly hôn nhưng không có ra tòa án” thì chúng tôi xin khẳng định ba mẹ bé vẫn chưa chấm dứt hôn nhân, quan hệ hôn nhân giữa ba mẹ bé vẫn còn tồn tại bởi:

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 kể cả trong trường hợp hai bên thuận tình ly hôn thì họ vẫn phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã, phường để xin xác nhận rồi đến Tòa án để Tòa án tiến hành hòa giải. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết thì Tòa án mới ra quyết định công nhận ly hôn mà không phải mở phiên tòa.

Theo Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn như sau:

“1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch, hai bên ly hôn, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.”

Do vậy, việc ly hôn theo đúng quy định của pháp luật thì bắt buộc phải có quyết định ly hôn của Tòa án. Trường hợp này thì ba me bé vẫn chưa ly hôn.

Thứ hai, quyền nuôi con theo pháp luật hôn nhân và gia đình.  

Trường hợp này của ba mẹ bé có thể coi là trường hợp ly thân. Mà hiện nay thì pháp luật hôn nhân và gia đình chưa có quy định về việc phân định nuôi con trong khoảng thời gian ly thân bởi lẽ quan hệ hôn nhân vẫn còn tồn tại. Do vậy, trong thời gian ly thân không đặt ra trường hợp ai có quyền nuôi con tuy nhiên nếu không chung sống cùng nhau thì ba và mẹ của bé vẫn có thể thỏa thuận, thương lượng với nhau về việc nuôi con trong thời gian này để đảm bảo tốt nhất cho đứa bé.

Theo thông tin chị cung cấp thì khoảng thời gian này cháu ở với mẹ bị hành hạ, đánh đập và bé không muốn ở với mẹ thì ba của bé có thể nhờ các đoàn thể, tổ chức như tổ dân phố, hội phụ nữ…để nhờ họ khuyên giải người mẹ giao bé cho ba để đảm bảo sự phát triển của bé.

* Vậy nên để giành quyền nuôi con thì ba của bé cần phải tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014. Sẽ có hai trường hợp:

+ Nếu ba và mẹ của bé tự nguyện, thỏa thuận ly hôn thì gửi đơn thuận tình ly hôn lên Tòa án để giải quyết ly hôn theo Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

+ Trường hợp ba và mẹ bé không thỏa thuận được thì một trong hai người có quyền đơn phương ly hôn theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

Trong trường hợp này, ba của bé muốn giành được quyền nuôi bé thì cần phải tiến hành ly hôn với mẹ của bé. Trước tiên sẽ thỏa thuận việc nuôi bé, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết.

Giải quyết việc nuôi con thì theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:

– Điều kiện vật chất: dựa trên thu nhập thực tế, tài sản, điều kiện sinh hoạt, điều kiện học tập của cha mẹ;

– Yếu tố tinh thần: Thời gian giành cho con, dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc, tình cảm giành cho con, phẩm chất, đạo đức của cha mẹ,…

– Nguyện vọng của con: đối với con từ 7 tuổi trở lên cần xem xét nguyện vọng của con muốn ở với ai.

Trong trường hợp này, bé đã 12 tuổi nên ngoài việc đảm bảo những yếu tố về vật chất và tinh thần thì Tòa án cũng cần xem xét đến nguyện vọng của bé muốn ở với ai thì Tòa án sẽ đưa ra quyết định, thêm với việc trong thời gian qua bé sống với mẹ bị mẹ hành hạ, ngược đãi như vậy thì nhiều khả năng mẹ của bé sẽ không có quyền được nuôi bé.

c3

Thứ ba, Bà nội có được quyền nuôi bé không ?

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, về nguyên tắc khi vợ chồng ly hôn thì sẽ do vợ hoặc chồng chăm sóc, nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, trong “trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện nuôi con thì Tòa án sẽ xem xét và quyết định giao con cho người giám hộ nuôi dưỡng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005” được quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Theo Điều 60 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ như sau:

– Có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

– Có tư cách đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

– Có điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện việc giám hộ.

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại Điều 61 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

– Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

– Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

Như vậy, bà nội là người giám hộ đương nhiên thuộc hàng thứ ba sau anh ruột, chị ruột. Nếu như bé không có anh, chị ruột hoặc có anh, chị ruột nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng bé thì bà nội hoàn toàn có quyền được nuôi bé, nhưng bà nội chỉ có quyền nuôi bé khi cha mẹ của bé không đủ điều kiện ( như là điều kiện về vật chất, điều kiện về tinh thần, nguyện vọng của con,…) nuôi con sau khi ly hôn.

Thứ tư, theo bạn cung cấp thông tin thì mẹ của bé có hành vi không chăm sóc, đánh đập, hành hạ bé thì gia đình bạn nếu có căn cứ chứng minh về hành vi này có thể trình báo lên cơ quan Công an nơi mẹ của bé đang cư trú bởi đây được coi là hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Điều khoản 2 Điều 6 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định: “2. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.”

Và theo Điều 14 Luật bảo hiểm, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định quyền được trôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự như sau: “Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.”

Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. Và hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:

–  Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

– Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

– Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

– Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ.

–  Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.

–  Mua, bán trẻ em dưới mọi hình thức.

–  Đánh tráo trẻ em vì bất cứ mục đích gì.

–  Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ.

– Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của người khác.

Theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

d. Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.”

Bên cạnh đó, hành vi này còn bị xử phạt hành chính theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.


CÔNG TY LUẬT TNHH WM

post-logo
  • » Luật Sư tư vấn pháp luật miễn phí 24/7 Gọi: 19008007
  • » Luật sư tư vấn pháp luật qua Email : hotro@keyweb.com
  • » Tham khảo dịch vụ luật sư và kiến thức
  • » Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
  • » Khiếu nại về dịch vụ: 0981 759 726.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *